Tin thị trường

Quyết định lần đầu tiên trong lịch sử của Mỹ đang khiến ngành đồ uống có cồn lâm vào khủng hoảng chưa từng thấy

337
Hiện các tổ chức vận động hành lang của ngành bia rượu Mỹ đang cực kỳ lo lắng trước quyết định lần đầu tiên trong lịch sử của chính phủ Mỹ về mảng đồ uống có cồn khi các nghiên cứu giả mạo do doanh nghiệp tài trợ bị bóc trần.
Sản phẩm có thể bạn quan tâm
Mới đây, thông tin một trong 6 nhà máy bia của Heineken tại Việt Nam phải tạm dừng hoạt động vì suy giảm nhu cầu tiêu thụ đã khiến dư luận chú ý.

Trên thực tế, Việt Nam không phải thị trường duy nhất trên thế giới suy giảm nhu cầu tiêu dùng đồ uống có cồn mà thậm chí tại Mỹ, quốc gia nổi tiếng tự do về tiêu thụ bia rượu cũng đang xem xét khuyến nghị hạn chế sản phẩm này bất chấp các tập đoàn trong ngành đã đổ hàng tỷ USD vận động hành lang.

Thậm chí, tờ New York Times (NYT) cho hay lần đầu tiên trong lịch sử, lượng người sử dụng bia rượu hàng ngày tại Mỹ hiện nay còn không bằng số lượng người dùng tài mà (Cannabis).

Tệ hơn, việc chính quyền Washington đang có động thái chưa từng có trong lịch sử về ngành bia rượu đang khiến hàng loạt tổ chức vận động hành lang lo lắng. Ngày càng nhiều tổ chức đồng quan điểm về đồ uống có cồn có khả năng gây ung thư đang khiến thị trường bia rượu Mỹ gặp khủng hoảng.

Đại chiến bia rượu

Trong suốt gần 30 năm, các hướng dẫn về sức khỏe của liên bang tại Mỹ thường khuyến nghị nam giới có thể uống ít hơn 2 cốc bia mỗi ngày. Con số này của phụ nữ là 1 cốc.

Thế nhưng tình hình có thể sẽ thay đổi vào năm 2025 khi Cục dịch vụ sức khỏe và nông nghiệp Mỹ (AHHS) lần đầu tiên trong lịch sử có quyết định tách hướng dẫn về sức khỏe ăn uống của người dân ra khỏi bia rượu.

Cụ thể, AHHS sẽ ban hành một hướng dẫn riêng về tiêu thụ đồ uống có cồn chứ không đưa bia rượu vào danh sách khuyến nghị ăn uống lành mạnh hàng ngày nữa.

Điều này có thể dẫn đến một khuyến nghị mới như chỉ 2 cốc bia 1 tuần hay thậm chí là ít hơn, gây tác động tiêu cực đến doanh số của ngành đồ uống có cồn.

Động thái này được NYT đánh giá là sẽ làm chấn động ngành bia rượu tại Mỹ.

Hiện các tổ chức vận động hành lang đang tranh cãi kịch liệt với chính phủ về số lượng khuyến nghị rượu bia cụ thể mà người dân nên tiêu thụ hàng ngày trong bản hướng dẫn mới vào năm 2025.

Bên cạnh việc đặt nghi vấn về phương pháp nghiên cứu để đưa ra kết luận uống bao nhiêu là tốt cho sức khỏe hàng ngày, các tổ chức vận động hành lang cũng chi hàng triệu USD cho luật sư và các tổ chức liên quan.

Thậm chí họ còn chi nhiều tiền hơn nữa cho các học giả tham gia nghiên cứu đánh giá tác động trong báo cáo của AHHS và Bộ nông nghiệp Mỹ (USDA) nhằm ngăn chặn hoặc hạn chế ảnh hưởng tiêu cực từ quy định mới đến thị trường bia rượu.

"Chúng tôi không muốn các quy định được ban hành tùy tiện mà không dựa trên những nghiên cứu khoa học thực sự", nghị sĩ Andy Barr của bang Kentucky và là đồng chủ tịch của tổ chức Bourbon Caucus, một nhóm chính trị gia vận động hành lang cho ngành bia rượu, cho biết.

Theo NYT, việc Mỹ khuyến nghị uống ít bia rượu hơn trong thông báo chính thức sẽ làm suy giảm doanh số tiêu thụ toàn ngành trong bối cảnh giới trẻ ngày càng quan tâm đến sức khỏe. Lượng tiêu thụ bia rượu ở Mỹ đã suy giảm dần trong giới trẻ và các tập đoàn đang tìm mọi cách để tránh suy giảm doanh số.

"Nếu chính phủ muốn tôi chỉ nên uống 2 cốc bia mỗi tuần thì mặc kệ họ", Nghị sĩ Ted Cruz của bang Texas nói thẳng về khuyến nghị mới của liên bang nhằm giảm tiêu thụ đồ uống có cồn.

Có hại cho sức khoẻ

Hiện ngành bia rượu và các tổ chức vận động hành lang đang tích cực phản đối quyết định mới từ AHHS.

Nghị sĩ Diana Harshbarger của bang Tennessee, đồng thời là thành viên của Bourbon Caucus đã chất vấn Tổng thư ký Xavier Becerra của AHHS trong phiên điều trần tháng 4/2024 rằng tại sao cơ quan này lại chỉ lấy ý kiến từ 2 tổ chức do chính phủ tài trợ mà không thêm các nghiên cứu tư nhân bên ngoài để gia tăng tính chính xác.

Trong khi đó, nhiều nhóm thương mại cũng đã gửi thư đến Nhà Trắng để đặt câu hỏi về động cơ cho quy định mới, đồng thời yêu cầu AHHS mở rộng nguồn thông tin lấy ý kiến.

Hiện hội đồng 6 thành viên nghiên cứu của AHHS đã có 3 chuyên gia với công trình việc tiêu thụ bất kỳ lượng đồ uống có cồn nào cũng gây hại, khiến các tổ chức vận động hành lang cực kỳ lo lắng.

Những thành viên này bao gồm giám đốc Tim Naimi của Viện nghiên cứu sử dụng chất gây nghiện Canada (CISUR), chuyên gia cấp cao Jurgen Rehm của Trung tâm cai nghiện và sức khỏe tâm thần (CAMH) và chuyên gia Kevin Shield, người điều hành một trung tâm cai nghiện rượu bia của Tổ chức y tế thế giới (WHO).

Nghiên cứu của 3 nhà khoa học này đã khiến nửa tá quốc gia khuyến nghị uống ít rượu bia có lợi cho sức khỏe và điều này khiến ngành bia rượu Mỹ cực kỳ lo lắng.

Ví dụ CISUR đã khuyến nghị các cơ quan chức năng Canada vào năm 2023 rằng người dân chỉ nên uống ít hơn 2 cốc bia mỗi tuần để giảm nguy cơ gây hại sức khỏe và mắc các loại bệnh tật. Trước đó, quốc gia này còn đồng ý với mức 15 cốc bia mỗi tuần cho nam giới và 10 cốc cho nữ giới là đủ để ít gây nguy cơ mắc bệnh.

Tương tự vào năm 2023, WHO còn cho biết không có đồ uống có cồn nào là thực sự an toàn cho sức khỏe khi phần lớn các bằng chứng đều cho thấy tiêu thụ sản phẩm này có thể dẫn đến ung thư.

Thậm chí Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC) còn phân loại đồ uống có cồn vào loại có mức độ gây rủi ro sức khỏe tương tự như Amiang, phóng xạ và thuốc lá.

"Ngày càng nhiều nghiên cứu đồng ý quan điểm đồ uống có cồn là sản phẩm có thể gây ung thư (Carcinogen), đặc biệt là với những người uống 3-4 cốc mỗi ngày", chuyên gia Christian Abnet của Viện ung thư quốc gia (NCI) cho biết.

Ngừng rượu bia

Năm 2020, một tiểu ban của hội đồng liên bang chuyên tư vấn về hướng dẫn chế độ ăn uống đã thúc giục chính phủ hạ thấp giới hạn tiêu thụ đồ uống có cồn, cho rằng người dân không nên uống quá 1 cốc mỗi ngày. Tuy nhiên do sự vận động hành lang mà nhiều quan chức cho rằng không đủ bằng chứng cho đề nghị này.

Thế nhưng hàng loạt những nghiên cứu gần đây đã chứng thực độ nguy hiểm của rượu bia. Tổ chức IARC đã công bố một nghiên cứu trên Tạp chí Y học New England vào tháng 12 chứng minh rằng việc giảm hoặc ngừng sử dụng rượu có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư miệng và thực quản.

Tuy nhiên những người ủng hộ ngành công nghiệp rượu bia lại chỉ ra một nghiên cứu khác cho thấy việc tiêu thụ đồ uống có cồn ở mức điều độ sẽ sống lâu hơn những người không tiêu thụ hoặc những người tiêu thụ quá mức.

Đáp trả, cả 3 nhà khoa học Naimi, Shield và Rehm cho rằng các nghiên cứu do các doanh nghiệp rượu bia trả tiền tài trợ là không có tính chính xác. Ví dụ nhiều người từ bỏ rượu bia vì gặp các vấn đề sức khỏe do từng uống quá nhiều trước đây lại vẫn được đưa vào danh sách không tiêu thụ đồ uống có cồn trong bản nghiên cứu trên.

Điều này chỉ để làm tăng tính tiêu cực cho những người không uống rượu và đưa ra một kết luận sai lầm có lợi cho ngành đồ uống có cồn.

Chuyên gia Naimi của CISUR đã đăng một nghiên cứu trên JAMA Network Open vào tháng 3/2023 cho thấy rượu bia thực tế không giúp con người sống lâu hơn kể cả khi tiêu thụ điều độ.

Vị chuyên gia này cùng nhiều tác giả khác đã xem xét hơn 100 nghiên cứu về tác động của rượu bia với gần 5 triệu người và không tìm thấy bất cứ bằng chứng nào cho thấy tiêu thụ đồ uống có cồn, dù chỉ là một chút, có thể khiến họ sống lâu hơn người không hề uống.

Thất thế trong mảng nghiên cứu khoa học, ngành rượu bia bắt đầu chuyển sang vấn đề văn hóa.

Nghị sĩ Jim Costa của bang California, đồng thời là nhà đại diện cho các hãng sản xuất rượu vang ở Thung lũng Joaquin, cho biết rượu bia là một phần văn hóa ẩm thực của người Mỹ và giá trị này không nên bỏ qua.

"Trong nhiều nền văn hóa, rượu vang còn là một phần của chế độ ăn kiêng", ông Costa nói.

Bất chấp điều đó, sự bùng nổ của Internet khiến giới trẻ ngày nay đã ý thức hơn được về tác hại của rượu bia và không còn nhiều người tin tưởng vào những luận điểm phi khoa học do các doanh nghiệp trả tiền nữa.

*Nguồn: NYT
Chia sẻ:
Bình luận Facebook
Tin nổi bật trong ngày